Có một hình ảnh kinh ngạc, cảm động chen lẫn đau đớn tôi từng nhìn thấy trên những chặng đường chạy bộ dọc Việt Nam, đó là khi bắt gặp người vợ già dắt một người chồng già bị mù, dò dẫm chạy thi marathon men theo bờ vịnh Hạ Long trong gió rét cắt da một buổi sáng Chủ nhật cuối tháng Mười một 2016. Ông chồng là Enzo Giuseppe Petreni, sinh năm 1956, người vợ già hơn tuổi 56 rất nhiều, là Tiziana Tori. Họ từ Italia bay qua Pháp rồi sang Việt Nam chỉ để chạy!
Họ đã chạy cùng nhau từ lúc trẻ, tới khi đã già, tới ngày mù lòa, thì người vợ dùng một sợi dây vải màu vàng buộc cổ tay chồng vào cổ tay mình. Rồi bà già dắt chồng chạy bộ theo bà, rất chậm nhưng không bỏ cuộc! Họ là hai người thi chạy cự ly Half-marathon cuối cùng về tới vạch đích, khi Ban tổ chức đã bắt đầu dỡ loa đài và mang đi những cờ hoa của giải chạy quốc tế.
Gió trên cầu Bãi Cháy sáng hôm đó cắt buốt da thịt và thổi thốc lạnh lùng quét dọc những con dốc cao lên cầu. Bà Tori vẫn giữ chặt dải băng nhỏ dắt chồng chạy và đi bộ hơn bốn tiếng. Họ đã đi một quãng đường rất dài để tới được Việt Nam. Đi qua bao nhiêu giải Marathon, hay sóng gió cuộc đời, vượt bóng đêm vĩnh viễn trong tâm trí và những chặng bay quốc tế tốn kém, chỉ để đổi lấy một buổi sáng dắt tay nhau chạy marathon trong lặng lẽ?
Khi ông Petreni mắt còn sáng, vào năm 2012, họ cùng sang Stockholm (Thụy Điển) chạy Full-marathon hết 6h12’ bên nhau. Giờ đây, họ sẽ ngày càng chạy chậm hơn, cự ly ngắn lại! Tôi mủi lòng nghĩ tới những gì tốt đẹp nhất trên đời này rồi sẽ biến mất, như sự sống, như tuổi thanh xuân, như tình yêu, cuộc đời này có thể mang đi bất cứ lúc nào! Nhưng chính những khoảnh khắc đang được sống và được chứng kiến vẻ tuyệt đẹp của niềm tuyệt vọng, mới trở thành hy vọng khôn nguôi của những người đang tìm kiếm bản thân mình trên những chặng chạy bộ vĩnh viễn chờ đợi!
Bạn có nghĩ rằng tới một ngày nào đó, khi bạn già nua, nhăn nheo và mù lòa, vẫn có một người dắt bạn tiếp tục thực hiện những ước mơ? Chúng ta có thể bỏ qua tất cả những vẻ đẹp hình thể, cao thấp béo gầy, giầu nghèo, cãi vã vô ích mỗi ngày, với bao nhiêu bận tâm vụn vặt trong tâm trí? Chúng ta sẽ mang bao nhiêu định kiến lên đường và trở về trong mỏi mệt? Có hàng triệu người trên trái đất có thể chạy marathon, nhưng trên trái đất có bao nhiêu bà già sẽ dắt tay bạn trong cuộc chạy bộ cuối đời tươi đẹp và rực rỡ trong bóng tối?
Đó chính là lý do lần trước, tôi cũng đã học cách buộc một sợi dây vào cổ tay mình với An, một bạn khiếm thị từ trường Nguyễn Đình Chiểu (HN), tôi dắt bạn chạy quanh Hồ Gươm cùng rất nhiều tình nguyện viên khác của VAF (Vietnam and Friends). Tôi tin rằng thể thao có sứ mệnh thiêng liêng hơn những cúp vàng huy chương, giá trị thực sự của thể thao là nâng đỡ những khiếm khuyết của đời sống, làm những con người tầm thường có thể tỏa sáng!
Nước mắt xứng đáng rơi xuống vì hạnh phúc, nếu bạn nhìn thấy Dick - ông bố bảy mươi đẩy xe lăn cho con trai tàn tật đã 50 tuổi Rick Hoyt trong mọi cuộc thi việt dã. Hai bố con mệnh danh “Team Hoyt” đã lặn biển, chạy Boston Marathon danh giá, thi Iron man, chạy bộ từ tuổi trẻ cho tới lúc già đi cùng nhau. Cuộc sống chẳng để lại gì, chỉ để lại những bức ảnh chân thực nhất về những chặng đường đã đi qua dưới chân tuổi trẻ!
(Rất tiếc, năm tôi sang Mỹ chạy marathon thì trong cuộc đó, 2 bố con nhà Hoyt đã dừng bước!)
Tôi đã có lần trò chuyện với Huy Nguyễn, cậu bé nhặt bóng sân gôn ngày xưa, giờ đã thành doanh nhân sáng tạo. Cậu nói rằng, tất cả những khách sân Golf gặp nhau đều giàu có và thân phận sang trọng, nên một tay chơi Golf nghèo đói và nhếch nhác như cậu đã tạo ra một thứ gì đó vô hình nhưng thú vị và đầy mê hoặc cho cuộc sống của chính cậu! Và tạo ra bản lĩnh cho cậu đi tạo dựng doanh nghiệp Start-up bây giờ!
Thứ truyền cảm hứng nhất cho bạn không phải người về nhất cuộc đua xe đạp, không phải cái người cơ bắp, sáu múi, có số đo vàng, nâng cao chiếc xe chiến thắng trên đầu, mà là một người đàn bà béo phì, băng dán giảm đau chi chít trên tay chân và các cơ bắp, đang đau đớn đạp xe nước rút về đích trong nắng gắt!
Chạy đi những anh chàng béo lùn, chạy đi những cô gái dậy thì chậm rãi, những bà mẹ sồ sề hay những người đàn ông chưa bao giờ chơi thể thao! Đã quá lâu chúng ta lầm tưởng rằng, chỉ những người trẻ trung xinh đẹp và vóc dáng cân đối chiếm lĩnh những đường đua, những cuộc thi.
Chúng ta quên rằng chúng ta vẫn lang thang trong tuổi trẻ! Quên mất những điều tuyệt vời sẽ luôn tới trong mỗi ngày tầm thường! Ta luôn có vé hạng Nhất vào tương lai tràn đầy tình yêu, một cuộc sống bất ngờ và gian nan nhưng xứng đáng để sống!
Chúng ta sẽ phải sống thêm biết bao nhiêu thời gian để nhận ra, những gì quý giá nhất trong một năm lại là vài giây ngồi lại bên cha không nói năng gì? Bao nhiêu lời âu yếm tình tự không ở lại lâu hơn một lần nào đó, nắm tay người yêu dấu và cùng lặng im nhìn xa một hướng chân trời mới? Và giây phút hạnh phúc nhất của bao nhiêu cuộc viễn du xa vợi lại là lúc đặt chân về tới bậc cửa nhà mình…
Và chúng ta cần bao nhiêu kỷ lục thế giới, chạy bao xa, lướt nhanh ra sao để cuối cùng mới biết, điều tuyệt vời nhất là ta đã không chạy như một cỗ máy. Có thể đau đớn và mạnh mẽ, có thể rơi nước mắt, có thể mủi lòng, có thể về cuối cùng, nhưng ta đã chạy như một Con Người!
(bài này mình đăng trên Tuổi Trẻ- báo Tết 2018, ảnh của anh Đức Sơn)
Search